Tương truyền rằng ngày xưa nước từ mưa gió, sông, biển, và những sinh vật sống trong nước được ông Trời tạo ra đầu tiên và cũng chính là khởi nguồn của mọi thứ.
Cuộc “thi rồng” gồm ba kỳ, mỗi kỳ phải vượt qua một đợt sóng, con vật nào đủ sức, đủ tài, có thể vượt qua cả ba vòng thì mới đủ tiêu chuẩn để được hóa rồng.
Trong một tháng trời đằng đẵng, hầu như các loài thủy tộc đến thi đều bị loại vì không con nào vượt được cả ba đợt sóng.
Con cá rô chỉ nhảy qua được một đợt sóng, và phải dừng lại ở đợt sóng thứ hai.
Con tôm thì nhảy qua được hai đợt, ruột gan, vây, vẩy, râu và đuôi đã gần hóa rồng. Nhưng khốn thay, đến đợt ba, lại đuối sức bị ngã nên lưng cong lại.
Đến lượt có một con cá chép vào dự thi, con cá này bản chất khá đặc biệt vì trong miệng nó có ngậm một viên ngọc trai quý.
Thần gió thấy sự lạ bay đến để xem nên gió, mây ào ạt kéo đến, sấm sét ầm trời, và những đợt sóng cao cũng trỗi dậy. Cá chép nhờ đợt sóng cao đưa lên, vượt một lần qua cả ba đợt sóng một cách dễ dàng rồi từ tốn nhả viên ngọc vượt qua Vũ Long Môn và hóa rồng.
Hình ảnh cá chép hóa rồng trở thành biểu tượng của sự can đảm, may mắn, thành công, chiến thắng cũng từ sự tích trên. Bên cạnh đó, từ một loài cá bé nhỏ sống dưới nước, sau khi vượt qua được Vũ Long Môn, vẫy, đuôi, râu, sừng tự nhiên mọc đủ, hình dạng lại ra vẻ oai phong, rạng rỡ, cũng tượng trưng cho sự khát vọng của con người luôn muốn vươn lên đến tầm cao mới, nhưng chỉ những ai có được “viên ngọc quý” là sự kiên trì, nhẫn nại và không ngại khó khăn, gian khổ mới có thể đạt được thành công. Vậy nên, hình ảnh cá chép hóa rồng cũng như một lời nhắc nhở mọi người phải luôn trau dồi, mài dũa những phẩm chất cao đẹp bên trong chính bản thân mình..