Trước thềm fastival áo dài Hà Nội 2016 diễn ra ngày 14-16/10 sắp tới tạ Hoàng thành Thăng Long, ngoài hàng trăm hoạt động đặc sắc còn có sự góp mặt của phu nhân 90 tuổi của danh hoạ Bùi Xuân Phái, hơn 20 nghệ sĩ gạo cội và các ngoại giao đoàn trong vai trò nhân vật trình diễn.
Bộ áo dài cũng là một trang phục chứa đựng tính lịch sử lâu đời và được đặt trong không gian Hoàng thành Thăng Long thể hiện được tất cả những giá trị của văn hoá, lịch sử, xã hội… thực sự hữu hiệu trong đời sống hiện nay. Áo dài là một biểu trưng đặc sắc của văn hoá, thời trang sẽ không thể phát triển khi không có nguồn gốc từ bản sắc.
Từ nhiều năm nay, tà áo dài truyền thống được xem là một biểu tượng chứa đựng tinh hoa - văn hoá của dân tộc Việt. Vì lẽ đó, ngoài việc gắn liền với sự phát triển của đời sống xã hội, áo dài còn là “cầu nối”, là “sứ giả” trong việc quảng bá du lịch Việt. Và việc tổ chức Festival Áo dài hàng năm đã góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy sự phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh Việt Nam đi xa hơn.
Năm nay, Festival Áo dài Hà Nội sẽ có sự góp mặt của 32 nhà thiết kế đến từ nhiều nơi, có người đến từ miền Tây xa xôi và cũng có người đến từ đất Cảng. Nhân vật điểm nhấn của các buổi trình diễn áo dài vẫn là dàn nghệ sĩ gạo cội của làng điện ảnh, âm nhạc và truyền hình như: NSNS Trà Giang, NSND Ngọc Lan, NSND Minh Châu, NSƯT Thanh Loan, NSƯT Thanh Tú, NSƯT Kim Tiến, NSƯT Vũ Dậu… Ngoài ra, năm nay chúng tôi còn mời được thêm 3 nghệ sĩ nam cùng tham gia là: NSND Tiến Hợi, NSND Trần Nhượng, NSND Đỗ Kỷ. Bên cạnh đó, còn có sự góp mặt của những nghệ sĩ mới là NSND Diệu Thuần, NSND Lan Hương, NSND Hoàng Cúc, NSND Thu Quế, NSƯT Chiều Xuân, NSƯT Thu Hà...
Đặc biệt hơn nữa là chúng tôi còn mời được cụ bà Nguyễn Thị Sính - phu nhân của cố hoạ sĩ Bùi Xuân Bái. Cụ Sính năm nay đã ngoài 90 tuổi những vẫn còn rất minh mẫn và khoẻ mạnh. Cụ xuất hiện trên sân khấu với tư cách là chứng nhân lịch sử của Hà Nội, đồng thời là chứng nhân của nhiều bức tranh vẽ về Hà Nội nổi tiếng của cố danh hoạ Bùi Xuân Phái. Có thể nói, cụ Sinh cũng chính là “hiện thân” của cụ Bùi Xuân Phái và cũng là “hồn cốt” Hà Nội xưa. Khi tôi ngỏ lời mời cụ tham gia Festival Áo dài Hà Nội 2016, cụ đã rất vui vẻ nhận lời và hào hứng chuẩn bị mọi thứ cho sự xuất hiện của mình.
Ngoài ra, một số Đại sứ quán và ngoại giao đoàn nước ngoài cũng rất hào hứng tham gia sự kiện Festival Áo dài Hà Nội năm nay. Nhất là bà Đại sứ quán Italia sẽ chọn hai nhà thiết kế đang sống tại Italia để thiết kế áo dài cho bà mặc trong đêm diễn này. Tôi nhận được bản vẽ áo dài cách đây mấy hôm và bà Đại sứ Italia cũng đang rất tích cực tạo ra những buổi lấy ý kiến của sinh viên ngành thời trang các trường Đại học ở Italia về tà áo dài Việt Nam.
Tạo nên sức sống mới trên nền tinh hoa Hà Nội cho những tà áo dài truyền thống không phải là điều dễ dàng. Nhà thiết kế Minh Hạnh thừa nhận “đụng” vào áo dài là khó, áo dài về Hà Nội lại càng khó gấp trăm vạn lần. Thế nhưng, bài toán khó này đã được các nhà thiết kế giải một cách hấp dẫn, cuốn hút bằng những ý tưởng sáng tạo của mình. Với hình ảnh những nàng tố nữ, con đường gốm sứ, Khuê Văn Các, tháp Rùa, tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ, phố cổ Hà Nội, thậm chí cả những bức tranh cổ động…, các nhà thiết kế đã xử lý bằng kỹ thuật rất mới làm cho chiếc áo dài rất hiện đại mà vẫn mềm mại, duyên dáng. Một số người còn chọn hội họa làm cảm hứng để thiết kế áo dài, trong đó có tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái, Trần Nguyên Đán, Phạm Bình Chương…
Nhiều hoạt động ý nghĩa
Trong ngày khai mạc 14-10, các nhà thiết kế sẽ giới thiệu những bộ sưu tập đặc sắc nhất về Hà Nội qua các bộ sưu tập áo dài trình diễn và các gian hàng trong khuôn viên Hoàng thành Thăng Long. Chủ đề “Hà Nội và mẹ” mở rộng các mẫu thiết kế không chỉ về Hà Nội mà còn là hình ảnh người mẹ Việt Nam.
Đêm 15-10, chương trình biểu diễn áo dài sẽ diễn ra từ 20 giờ đến 22 giờ tại Quảng trường Đoan Môn, khu di tích Hoàng thành Thăng Long với chủ đề “Hanoi Lifestyle”. Những bộ sưu tập sẽ mang phong cách trẻ trung dành cho các bạn trẻ và không biên giới. Trong ngày thứ hai còn có thi vẽ tranh trên áo dài cho thiếu nhi, tạo dáng cùng áo dài.
Trong ngày cuối cùng, bên cạnh lễ diễu hành áo dài trên phố Hoàng Diệu qua đường Thanh Niên, lễ rước tôn vinh các vị tổ nghề và các nghệ nhân nhằm thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn” còn có hội thảo bảo tồn và phát huy giá trị áo dài truyền thống trong phát triển du lịch.